Nếu như bạn là người miền Bắc sinh ra vào thế hệ đầu 9X trở về trước, ắt hẳn bạn rất quen thuộc với hình ảnh những căn nhà 3 gian 2 chái, cây đa, giếng nước, sân đình… của làng quê đất Việt thuở xưa. Những ngày đó đã xa, giờ đô thị miền Bắc chỉ còn nhà cao cửa rộng và những tòa cao ốc chọc trời, biểu hiện cho một sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế. Nhưng đằng sau đó, vẫn có những yên bình nằm trong Hà Nội – thủ đô của cả nước, ở một ngôi làng nhỏ ngoại ô thành phố, mang tên Đường Lâm.
Nếu so về cảnh sắc cũng như kiến trúc, Đường Lâm không có nhiều điều đặc biệt hơn, không có sự cầu kỳ nhưng cung đình Huế, không có cảnh quan tuyệt diệu như những khu du lịch biển, không có sự hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc… Đường Lâm chỉ có sự yên bình của một làng quê nhỏ hiếm hoi đặc trưng còn sót lại ở miền Bắc.
Nếu là từ xứ khác đến, bạn sẽ thấy có nhiều điều rất mới mẻ, khác xa với những con phố ồn ào bạn thường thấy khi đến thủ đô Hà Nội. Rời khỏi con đường nhựa của quốc lộ, bạn sẽ bước vào khung cảnh yên bình của làng quê với hai bên là đồng ruộng, cây cao rợp bóng. Đường Lâm đón bạn bằng cổng làng bé nhỏ đặc trưng của miền Bắc.
Vào làng, bạn giống như bước vào một thế giới khác. Hãy dừng chân một lát tại quán nước chè ngay đình làng Mông Phụ, nhấp ngụm chè xanh, ăn chiếc kẹo dồi, kẹo lạc đúng điệu thôn dã. Ở đây, bà cụ chủ quán sẽ tận tình hướng dẫn bạn đường đi nước bước trong làng, đi đâu chơi trước cho hợp lý, những nơi nào đẹp, lịch sử ra sao…
Loanh quanh Đường Lâm với những điểm như đình Mông Phụ, những ngôi nhà cổ, nhà thờ, đền thờ Giang Văn Minh, chùa Mía, đền thờ 2 Vua… cũng tốn gần một ngày. Đủ nhàn nhã để thăm quan và khám phá văn hóa làng quê miền Bắc.
Đặc sắc không hẳn nằm trong những điểm thăm quan, mà Đường Lâm khiến người ta cảm thấy bình yên ở từng ngõ nhỏ lát gạch đơn sơ, những bức tường đá ong lỗ chỗ nâu óng, những con đường mà mùa gặt đầy những rơm rạ hay bóng ai tất tả đi giữa trưa hè.
Cảm thấy thân thương ở giàn hoa đầu ngõ, những chiếc lu tròn xếp hàng như những vật nuôi ngoan ngoãn, những bắp ngô vàng treo trước hiên nhà, mái ngói đơn sơ, cảnh lao động tỉ mỉ của người dân hay những câu chuyện không đầu, không cuối về ngôi làng cổ này.
Ngoài ra, gần Đường Lâm còn có Đền Và, có thành cổ Sơn Tây rất thú vị để thăm quan thêm ở khu vực Sơn Tây, giúp cho chuyến đi của bạn thêm trọn vẹn. Bạn còn nên thưởng thức những món ăn đặc sản Sơn Tây như bánh tẻ Phú Nhi, bánh sữa Ba Vì, chè lam, thịt quay dòn, gà mía… Những món ăn dân dã nhưng thấm đượm chất quê.
Đi Đường Lâm nhiều khi chỉ để ăn bữa cơm đạm bạc, ngắm cảnh quan đơn sơ, nhưng chắc chắn sẽ mang lại cho bạn những cảm giác mới mẻ hơn ở chốn bình yên cách xa thành phố, cho bạn cảm giác thư thái khi đi bộ, đạp xe đến từng ngóc ngách nhỏ, ngắm nghía từng nếp nhà, tìm hiểu những câu chuyện thú vị xung quanh những ngôi nhà cổ, đền thờ có từ cách đây hàng trăm năm, những vật dụng lạ mắt mà bạn dường như chỉ còn thấy trên sách vở.
Một chuyến đi ngắn ngày nhưng được ngắm những màu sắc khác nhau của Đường Lâm chắc chắn là trải nghiệm đáng nhớ. Bạn chỉ cần dành một ngày nghỉ của mình, đón xe bus hoặc tự chạy xe đến, chi phí rất rẻ phù hợp với mọi đối tượng. Khá gần nhưng vẫn đủ xa để “trốn thành phố” bên người thân, bạn bè hoặc cùng người thương tận hưởng những khoảnh khắc không khói bụi, không tấp nập, không nhộn nhịp của chốn đô thị phồn hoa, chỉ còn ở đây cái “tình” người dân quê, còn những êm đềm trên từng nếp nhà nhỏ…