11 Tháng 1, 2023 |
Nếu các bạn đang mong muốn tìm về một nơi bình yên với nếp sống xưa giản dị, một nơi lưu giữ kiến trúc cổ đặc biệt, với cây đa, giếng nước, mái đình đặc trưng của làng quê Bắc Bộ, thì Đường Lâm - nơi lưu dấu "tích xưa chuyện cũ" xứ Đoài Sơn Tây sẽ là một lựa chọn cho bạn trong chuyến du hành cuối năm.
Đường Lâm vốn nổi danh là vùng đất hai vua - vùng đất “địa linh nhân kiệt” sản sinh ra hai vị vua Phùng Hưng và Ngô Quyền, đồng hành cùng hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Quần thể di tích Đường Lâm là không gian văn hoá đậm nét kiến trúc Bắc Bộ như cổng làng cổ, đình, đền, chùa, nơi nét son vẫn còn lưu lại của một thời xưa cũ; đồng thời như một bảo tàng lưu giữ kho tàng văn hóa lịch sử quý báu, góp phần khẳng định và minh chứng cho luận cứ: Sơn Tây là vùng đất cổ “địa linh nhân kiệt” –trung tâm của xứ Đoài xưa.
Đường Lâm là quê hương của nhiều danh nhân như bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng), Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, vua Ngô Quyền, Thám hoa Giang Văn Minh, bà chúa Mía (vương phi của chúa Trịnh Tráng, người xây chùa Mía), ngoài ra là những cái tên Phan Kế Toại, Hà Kế Tấn, Kiều Mậu Hãn, Phan Kế An...
Khi đến đây, các địa danh bạn không thể bỏ qua đó chính là: cổng làng Mông Phụ, đình Mông Phụ, đền Phủ bà chúa Mía, chùa Mía, đình thờ Phùng Hưng, đền – lăng Ngô Quyền. Đầu tiên, phải nhắc tới cổng làng Mông Phụ - Đây là chiếc cổng cổ tiêu biểu nhất của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Vào làng Mông Phụ hầu như bất kỳ ai cũng chú ý đầu tiên đến cổng và ngôi đình của làng. Cổng làng được xây dựng trên trục đường chính dẫn vào làng. Với bất kỳ một người dân ở vùng thôn quê nào trên đất Việt thì cổng và đình làng là hai công trình kiến trúc tượng trưng cho sự trù phú, thịnh vượng của làng.
Bốn cột của cổng làng được lựa chọn rất kỹ từ 4 thứ gỗ quý, đinh, lim, sến, táu. Phần giữ cho 4 cây cột này đứng vững đến ngày nay là những phiến đá tròn xanh lấy từ Đông Triều (Quảng Ninh). Phần tường được xây bằng đá ong, cửa của cổng làng là hai tấm gỗ lim.
Đình làng được xây dựng ở vị trí trung tâm của làng, có một đặc điểm rất đặc biệt đó là hai dãy dọc được xây dựng theo kiểu sạp đình. Đây là kiểu kiến trúc Việt - Mường đậm nét nhất còn được lưu giữ lại, minh chứng cho sự giao thoa hài hòa của hai nền văn hóa anh em từ cách đây mấy trăm năm. Phía ngoài cùng Đại Đình là hình ảnh Mõ Cá đặc sắc – là phương tiện truyền tin cổ xưa của Làng xã.
Dọc 2 bên đường là tường hậu của các nhà dân xây bằng đá ong, hay gạch mộc. Tính tới nay, Đường Lâm có tới 956 ngôi nhà truyền thống trong đó các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh lần lượt có 441, 350 và 165 nhà. Có nhiều ngôi nhà được xây dựng từ năm 1649, 1703, 1850.... Căn nhà lâu đời nhất có tuổi thọ hơn 400 năm vẫn lưu giữ được bài văn cúng tế bằng chữ nho được viết bằng mực tàu trên một tấm ván. Tiêu biểu là nhà các ông Nguyễn Văn Hùng, Hà Hữu Thể, Hà Nguyên Huyến, Giang Văn Thuận, Đỗ Doãn Dương... Các ngôi nhà cổ có đặc điểm chung là có hệ thống kết cấu gỗ truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ, có 3 - 5 gian và hai chái, mái lợp ngói mũi đất nung.
Điều đặc biệt, đó chính là các di tích đều được xây dựng sáng tạo từ loại vật liệu truyền thống - đó là đá ong xứ Đoài. Chính chất liệu xây dựng đặc biệt này đã giúp các ngôi nhà cổ "hè mát đông ấm".
Bên cạnh đó còn có Chùa Mía - Nơi lưu giữ tới 287 pho tượng cổ bằng nhiều chất liệu quý khác nhau , thể hiện sự sáng tạo kỹ thuật vô cùng khéo léo của các nghệ nhân.
Có lẽ, nét đặc biệt của làng cổ Đường Lâm không chỉ ở những ngôi nhà cổ kính rêu phong, đường làng ngõ hẹp, giếng cổ, sân chùa từ nghìn xưa vẫn còn được giữ gìn nguyên vẹn mà còn ở cốt cách, lối sống, những vật dụng từ hàng vài chục năm trước như: cối xay lúa, cối giã gạo, cối xay ngô, nồi, thau đồng, lư hương, bình rượu bịt cổ bằng đồng nguyên chất…
Có dịp đến với Đường Lâm, bạn hãy thử trải nghiệm các loại đặc sản độc đáo nơi đây, đặc biệt là chè lam, tương làng Mông Phụ, gà Mía, thịt quay đòn, kẹo dồi kẹo lạc vừng của làng Đông Sàng, món cà dầm tương xé phay màu hổ phách, bánh gai làng Cam Lâm, củ cải khô Mông Phụ phơi sương đêm… và tham gia phiên chợ Mía độc đáo trong không gian văn hoá làng cổ.
Nếu có dịp đến Đường Lâm vào đầu xuân năm mới, bạn đừng bỏ qua lễ hội đặc sắc như lễ hội ở đình Mông Phụ vào ngày 10/1 Âm lịch nhé!
Lịch trình chuyến đi tham khảo
1.Cổng làng Mông Phụ
2.Đình làng Mông Phụ
3. Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh
4. Chùa Mía
5. Đền thờ Phùng Hưng (Bố Cái Đại Vương)
6. Đền thờ và Lăng Ngô Quyền
7.Rặng ruối cổ nghìn năm
8. Nhà cổ ông Hùng, nhà cổ ông Thể, nhà cổ bà Lan,...
9. Giếng cổ
0 Bình luận
BÀI VIẾT NỔI BẬT
16 Tháng 4, 2021
Danh mục