Sáng ngày 8/2 (tức mùng 8 tháng Giêng năm Nhâm Dần), UBND thị xã tổ chức Lễ tưởng niệm 1224 năm ngày giỗ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (798 – 2022).
Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng quê ở ấp cổ Đường Lâm nay là thôn Cam Lâm thuộc xã Đường Lâm. Ông là người có sức khỏe phi thường vật ngã trâu, tay không đấm chết hổ nên được nhân dân và các tù trưởng láng giềng đều khâm phục. Bọn quan quân đô hộ nhà Đường phải kính nể. Năm Đinh Mùi 767 nhà Đường suy yếu, quan lại tham nhũng tên Cao Chính Bình khét tiếng gian tham, bắt dân nộp sưu cao thuế nặng giết hại dân lành nên lòng người vô cùng căm giận. Trước tình hình khó khăn của đất nước, Phùng Hưng bàn bạc với anh em cứu dân cứu nước, ông lấy hiệu là đô quân cùng anh em ra sức luyện tập binh sỹ tích trữ lương thực. Đến năm Tân Mùi 791 đời Trịnh Nguyên thứ 7, ông đem quân vây đánh thành Tống Bình (tức Hà Nội ngày nay). Tên quan lại đô hộ Cao Chính Bình không chống cự nổi, thua to, lâm bệnh mà chết. Giành được thắng lợi, ông chiếm phủ lỵ, chấn chỉnh việc nước xây dựng nền độc lập lâu dài. Nhưng chẳng được bao lâu ông lâm bệnh rồi mất, nhân dân thương tiếc suy tôn ông là Bố Cái Đại Vương. Nhân dân nhiều nơi tưởng nhớ công lao to lớn của người anh hùng họ Phùng đã lập đền thờ ở một số khu vực như Hà Nội, Vĩnh Phúc. Trong đó, đình thờ ở làng Cam Lâm - xã Đường Lâm có quy mô bề thế nhất. Khu vực thôn Cam Lâm vẫn còn địa danh đồi Hổ Gầm, thôn Đoài Giáp có gò Bố Về - nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của Bố Cái Đại Vương.
Xuân Nhâm Dần 2022, thể theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân trên địa bàn, UBND thị xã Sơn Tây tổ chức Lễ kỷ niệm ngày giỗ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng theo quy mô cấp thị xã để tưởng nhớ công đức vị anh hùng dân tộc. Phát huy truyền thống lịch sử, văn hoá của quê hương Sơn Tây - mảnh đất địa linh, nhân kiệt, nơi "một ấp sinh hai vua" Phùng Hưng và Ngô Quyền, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã nguyện phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh, hiện đại, xứng đáng là một trong năm đô thị vệ tinh của thành phố Hà Nội./.