Đền Thờ Và Lăng Ngô Quyền

1,000

Làng cổ Đường Lâm ngoài tên gọi là Làng Việt cổ Đường Lâm hay làng Việt cổ đá ong còn có tên gọi khác thông thường hơn đó là Làng cổ ấp 2 vua. Đây chính là mảnh đất duy nhất tại Việt Nam sinh ra 2 vị vua trong làng. Đó là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và Tiền Ngô Vương Ngô Quyền. Đền thờ và Lăng Vua Ngô Quyền được nhân dân lập nên sau khi Ngài mất, khu đền thờ và lăng mộ có diện tích nhỏ nhưng khuôn viên bao bọc rất rộng rãi, bốn mùa phủ màu xanh bóng mát của các loài cây, hoa quý, tạo không gian thoáng mát, dễ chịu, hài hòa và linh thiêng, khu di tích là nơi nhân dân địa phương và du khách tri ân công lao to lớn của Vua Ngô Quyền. Ông được ví là vị Tổ trung hưng thứ nhất của dân tộc, có công thống nhất đất nước và xây dựng một chế độ quân chủ sau gần 1000 năm Bắc thuộc.

      Vua Ngô Quyền sinh năm 898, mất năm 944, thọ 46 tuổi. Cha đẻ của ông là cụ Ngô Mân. Gia đình cụ đời đời làm châu mục châu Đường Lâm. Khi ông sinh ra đã có những điều khác lạ như quanh người tỏa ra ánh sáng và có mùi thơm ngào ngạt quanh nhà. Đặc biệt, trên bả vai tả của ông có 3 nốt ruồi son. Có một vị thầy tướng số khi nhìn thấy ông lúc thiếu thời đã nói rằng: “ Thằng bé này sau lớn sẽ làm chủ một phương”. Khi cha ông mất, ông đã đem gia đình theo tướng Dương Đình Nghệ, cũng là một vị tướng có uy tín, đang thống lĩnh nghĩa quân và danh quyền cai trị cả một vùng rộng lớn. Do là người có tài lại có lòng yêu thương dân, mến binh lính nên ông được tướng Dương Đình Nghệ hết sức yêu mến và gả con gái là Dương Thị cho. Sau đó, ông được cử đi trấn giữ vùng Thanh Hóa và Nghệ An bây giờ. Năm 937, Dương Đình Nghệ bị một tên nha tướng dưới quyền là Kiều Công Tiễn giết hại để cướp chức Tiết độ sứ. Ông vô cùng tức giận đã đem quân từ Thanh Hòa và Nghệ An ra ngoài Bắc cùng với Dương Tam Kha đưa quân đi đánh tên nội phản Kiều Công Tiễn. Mùa đông năm 937, ông đưa quân vượt qua đèo Ba Dội tấn công và giết được Kiều Công Tiễn, sau đó lại chuẩn bị để đánh giặc ngoại xâm. Vì trước khi bị nghĩa quân của Ngô quyền trị tội thì Kiều Công Tiễn đã cho người cầu cứu nhà Nam Hán. Vua Nam Hán lúc đó đã cho con trai là Hoằng Thao cùng 20 vạn quân thủy chiến hùng hậu sang tiến đánh nghĩa quân của Ngô Quyền và hòng đặt ách cai trị lên đất nước ta. Ngô Quyền đã tiếp thu sự hiến kế của người dân vùng cửa nam song Bạch Đằng (Hải Phòng – Quảng Ninh), cũng như theo dõi quy luật lên xuống của thủy triều trên song, huy động sức quân dân chuẩn bị trận địa cọc ngầm cắm xuống lòng sông, mai phục chờ sẵn để làm nên trận Bạch Đằng giang lịch sử nhấn chìm đại quân thủy chiến xâm lược hung hãn, tướng giặc Hoằng Thao và ước mộng của kẻ xâm lược vào mùa đông năm 938. Sau chiến thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền lên ngôi Vương, đóng đô ở Cổ Loa – Hà Nội ngày nay và đặt chế độ cai trị phong kiến độc lập. Ông lên ngôi được 6 năm thì mất vào năm 944.
Khu đền thờ và lăng mộ của vua Ngô Quyền tuy có diện tích không lớn với nghi môn, nhà tả mạc, hữu mạc, tiền đường và hậu cung, nhưng được bao bọc bởi không gian rộng rãi, nhiều cây xanh, cây ăn quả, hoa màu, bóng mát luôn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Gắn liền với di tích là rặng duối cổ gồm 18 cây đã được Hội bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản vào năm 2011. Tương truyền đây là nơi vua Phùng Hưng và vua Ngô Quyền buộc voi và ngựa chiến.
      Ngoài di tích du khách còn được hồi tưởng về những địa danh xung quanh gắn liền với công lao, thân thế, sự nghiệp của vua Ngô Quyền như: giếng Ngọc, vũng Hùm, đàn trời, bãi Xà mâu.
      Từ năm 2013 đến nay, khu đền thờ và lăng vua Ngô Quyền đã được Nhà nước đầu tư kinh phí, cộng với sự đóng góp của dòng họ Ngô Việt Nam và du khách để tôn tạo, khôi phục các hạng mục phụ trợ, góp phần tôn vinh các giá trị của di tích đáp ứng nguyện vọng tham quan, tìm hiểu của du khách. Hàng năm, tại đền, nhân dân địa phương, chính quyền thường tổ chức hai lễ hội chính, đó là: lễ giỗ tổ dòng họ Ngô 20/1 âm lịch và lễ tưởng niệm ngày mất của vua Ngô Quyền 14/8 âm lịch. Trong lễ tưởng niệm ngày 14/8 có rất nhiều hoạt động với sự tham gia của các đình, đền thờ vua Ngô Quyền và các vị tướng có công cùng thời ở các tỉnh thành Hải Phòng, Quảng Ninh.

0 Bình luận

| 6