Đình Mông Phụ

850

Đường Lâm - Đất hai vua, đất “Địa linh nhân kiệt” và Làng cổ Đường Lâm là một quần thể với rất nhiều những di tích lịch sử văn hóa như: Đình - Đền thờ hai vua Phùng Hưng, Ngô Quyền; Chùa Mía; Nhà thờ Thám Hoa Giang Văn Minh, Đình Mông Phụ, nhà thờ sứ thần Giang Văn Minh, cùng với hàng trăm ngôi nhà cổ bằng đá ong có niên đại hàng trăm năm tuổi phủ mái ngói rêu phong.

Dân gian vẫn hay nhắc tới “Cầu Nam, Chùa Bắc, Đình Đoài” Đình ở xứ Đoài vốn nổi tiếng với kiến trúc đẹp, cổ kính. Ngoài tính sáng tạo nghệ thuật của các nghệ nhân và nhân dân lao động như đình Tường Phiêu (Phúc Thọ), Thanh Lũy, Chu Quyến, Tây Đằng, Thụy Phiêu (Ba Vì), Hương Canh, Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Đình Mông Phụ là một trong những ngôi đình nằm trong danh sách những ngôi đình nức tiếng vùng xứ Đoài.

Đình, Chùa là nơi linh thiêng, sinh hoạt tín ngưỡng. Vì vậy điểm tâm linh này luôn được ông cha ta chọn chỗ tọa lạc ở vị trí, thế đất đắc địa nhất, phong thủy tốt nhất. Tương truyền rằng Đình Mông Phụ được xây dựng trên thế đất đầu Rồng, ở vị trí cao nhất của Làng, hai bên có hai Giếng là hai mắt rồng, hai lối nước chảy là hai râu rồng, đuôi rồng vắt về phía xóm Sải. Cái tên Mông Phụ có thể được các cụ cao niên xưa đặt tên khai sinh cho tên làng là lấy những chữ đầu của địa danh nơi sinh ra Đức Thánh Khổng Tử, đó là đồi Mông Sơn – gò Khúc Phụ thuộc tỉnh Sơn Đông để luôn hy vọng rằng làng quê sẽ là vùng đất hiếu học, luôn sản sinh ra nhiều bậc hiền tài.Có phải vì nằm ở vị trí đắc địa mà dân làng Mông Phụ luôn phồn thịnh và an lành, đất địa linh sinh nhân kiệt với những hiền tài nổi tiếng qua các thời kỳ. Đặc biệt sân đình là một “ngã sáu” dù đi hay đến và bắt đầu từ đâu cũng không ai quay lưng lại với hướng chính của Đình, đó quả là sự tinh tế trong xây dựng đồng thời cũng là biểu hiện lòng thành kính về mặt tâm linh của làng. Mặt chính của Đình hướng về phía Tây.

Đình làng Mông Phụ thờ vọng Tản Viên Sơn Thánh làm Thành Hoàng làng cùng với thần làng phù trợ cho dân luôn bình an, thịnh vượng. Cũng nhờ ân đức ấy mà bao người con của làng đã trưởng thành và mang lại vinh quang cho đất nước, quê hương như: Thám Hoa Giang Văn Minh, phó thủ tướng Phan Kế Toại, bộ trưởng thủy lợi Hà Kế Tấn, họa sỹ Phan Kế An...

Kiến trúc Đình còn nguyên vẹn. Từ ngoài vào là Nghi Môn, Tả hữu mạc, Đình chính. Tuy nhiên có một hạng mục đặc biệt đó là nhà Xích Hậu ở phía tả Đại Đình. Đây là ngôi nhà nhỏ 3 gian 2 chái, bẻ góc cong bốn mái duyên dáng, trước đây có đặt một chiếc trống cái, khách đến thăm đình hay vào ngày tiệc làng vào Đình làm lễ thì tất cả đều phải dừng lại ở đây (kể cả quan lại cũng vậy) khi nào có tiếng trống nổi lên mới được vào. Đây cũng là nơi mà hàng năm bà con dân làng vẫn thực hiện lễ cúng cầu mát (Vào hè ngày 1.4 âm lịch và lễ ra hè ngày 1/7 âm lịch).

Nghi Môn được xây dựng theo kiểu cột trụ biểu kết hợp với các bức tường lửng bao quanh bằng gạch đá ong truyền thống. Hai cột lớn, trên đỉnh là hai con nghê đang nhìn xuống như kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương. Hai cột nhỏ tạo tác hình hoa, bốn con rồng nhỏ chụm đầu vẫy đuôi, cùng với những câu đối bằng chữ hán. Tất cả đều hướng lên gợi cảm giác thanh thoát, thoáng đãng.

Hai bên sân Đình là hai nhà Tả, Hữu mạc. Một bên thờ quan ôn, quan đương niên và một bên thờ tổ tiên các dòng họ trong làng. Là hai dãy nhà ba gian hai dĩ với bốn mái lá, lợp ngói và được bưng sàn gỗ. Bên trong là Khánh Đồng, Khánh Đá đây là hai di vật còn lại của Văn Miếu Đường Lâm xưa hiện được lưu giữ tại Đình làng Mông Phụ - Là “Văn Thánh Miếu Khánh” của Đường Lâm văn hiến.

Đại Đình được xây dựng theo lối kiến trúc Việt Mường là lối nhà sàn kết hợp với những hàng lan can hình con tiện bao quanh, các mặt để trống. Đại bái gồm ba gian hai chái nối chuôi vồ với Hậu Cung theo kiểu “ Thượng chồng rường, giá chiêng kẻ bẩy” với sáu hàng chân cột với 48 cột lớn nhỏ bằng gỗ lim, bưng sập gỗ. Đại bái được xây dựng năm kỷ mùi - Tự Đức 12 (1859). Những mảng trang trí, chạm khắc hình rồng, mây, hoa lá.... mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Lê - Nguyễn. chính giữa là cửa võng để thờ, trang trí hình “ lưỡng long chầu nguyệt” được sơn son thếp vàng cùng một ban thờ lớn trang trí hình rồng, hổ phù, chữ thọ, mây, lá... góc bên phải nổi bật là bức chạm khắc mang chủ để “Lão long huấn tử” - Rồng già dạy con. Là hình ảnh bốn chữ trong cuốn sách mở ra, như một sự trao truyền văn hóa, tinh thần hiếu học cho muôn đời sau.

Phía ngoài cùng Đại Đình là hình ảnh Mõ Cá đặc sắc – là phương tiện truyền tin cổ xưa của Làng xã. Là thân gỗ khoét rỗng, khi gõ sẽ phát ra tiếng kêu vang xa tận các ngõ xóm. Xưa kia, khi trong làng có việc cần giải quyết, hội họp hay tập trung trai tráng, tiếng Mõ sẽ được đánh lên và theo tiếng Mõ dân làng sẽ về tập trung tại sân Đình.

Phần trong là Hậu Cung. Xây dựng năm 1533 trước đây để thờ. Trước cửa vào là vì nóc có hình “cửu long tranh châu” và hai bên là bức cốn với hình ảnh tứ linh (Long - Lân - Quy - Phụng) và hình ảnh bốn mùa Xuân - Hạ - Thu – Đông với tứ quý là Tùng – Mai – Cúc – Trúc đó là những hình ảnh biểu trưng cho quyền uy cao sang và trường thọ, cũng như những ước mơ giản dị, gần gũi của người nông dân suốt đời gắn bó với đồng ruộng.

Khám thờ ngự ở gian giữa, được bố trí trang trọng cũng giống như ở đình Chu Quyến (Ba Vì), Tường Phiêu (Phúc Thọ). Khu hành lễ là không gian nền gạch thấp hơn mặt sàn. Một bát hương lớn đặt ở giữa, hai bên là bộ chấp kích, đôi hạc, bát hương trên cao đặt ở vị trí cao, có lối lên bằng cầu thang hai bên.

Sân đình luôn sạch sẽ, được ví như “cái nong” khổng lồ để cho dấn trong làng phơi nông sản những ngày nắng nhiều cũng như những hoạt động của người cao tuổi, trẻ em trong làng.

Đình làng Mông Phụ hiện còn lưu giữ được 17 đạo sắc phong, kiệu bát cống, đồ thờ tự, hoành phi.... Nổi bật là bức hoành phi với bốn chữ vàng do Vua Thành Thái ban tặng cho làng “Dũng - Cảm - Khả - Tưởng” đó là lời khen ngợi tinh thần dũng cảm của nhân dân làng Mông Phụ. Phía dưới là hai câu đối: “Đường lâm cốt cách thiên thu tại

Mông Phụ anh hoa vạn lý trường”

Đây là những lời ngợi ca do giáo sư Vũ Khiêu đề tặng và đã được họa sỹ Phan Kế An người con của làng cung tiến lên Thành Hoàng Làng tết trung thu năm 2010.

Vị trí đắc địa, kiến trúc đặc sắc và điểm nhấn khá thú vị nữa là sự kết hợp giữa mái đình võng nhẹ với sân đình thấp xuống mang dụng ý của bậc tiền nhân đó là “Tụ thủy sinh tài”. Tất cả những tinh hoa đất trời sẽ tập trung tại đình và lan tỏa sẽ mang bình an thịnh vượng cho làng xóm.

Lễ hội là hoạt động văn hóa đặc sắc của làng quê Việt Nam cổ truyền. Lễ hội làng Mông Phụ diễn ra chính vào ngày 10.01 âm lịch hàng năm, gồm hai phần Tế lễ và Hội hè. Cùng với các trò chơi dân gian như: Chọi gà, cờ người, đấu vật. Đặc biệt Mông Phụ xưa còn có tục lệ nuôi lợn, gà thờ dùng để tế lễ cho làng trong ngày tiệc làng. Là nét văn hóa rất riêng của làng. Tất cả cùng hòa quyện, tạo nên một động lực phát triển cho toàn thể cộng đồng, xã hội.

1 Bình luận

| 5
  • "suckmaidich" - ăegqwgdag