Đường Lâm - Nơi lưu giữ hồn làng Việt cổ

29 Tháng 9, 2021 | Joan Phuong

Làng cổ ở Đường Lâm, xưa thuộc đất Kẻ Mía, thuộc vùng bán sơn địa, lưng dựa vào núi Tản, mặt hướng về phía sông Hồng là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa với hơn 50 di tích có giá trị, nhiều di tích được Nhà nước xếp hạng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và thời gian, Làng cổ ở Đường Lâm vẫn còn giữ lại những nét cổ kính, khắc họa nên “hồn” làng Việt cổ xưa.

Check-in-lang-co-Duong-lam

Đến làng cổ ở Đường Lâm, hình ảnh đầu tiên mà du khách cảm nhận là cây đa to sừng sững nằm cạnh cổng làng. Hình ảnh này đã tồn tại từ nhiều đời nay, chứng kiến bao nỗi thăng trầm của ngôi làng. Cổng được xây dựng vào năm 1833. Phía trên có dòng chữ “Thế hữu hưng nghi đại” tạm dịch là: Các thế hệ sau của làng luôn có tinh thần phát huy, kế tục những giá trị văn hóa hiếu học, mối đoàn kết làng xóm của cộng đồng. Bước chân qua chiếc cổng làng chúng ta được trở về với làng quê yên ả thanh bình.

Tiếp đó là Đình Mông Phụ nằm ở trung tâm của làng. Đình được xây dựng vào thời kỳ Hậu Lê và đầu thời nhà Nguyễn. Năm 1858, thời Tự Đức, đình được sửa chữa lần thứ nhất và đến nay vẫn giữ nguyên dạng kiến trúc, điêu khắc đầu thế kỷ XIX. Đình thờ Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh) - vị thần đứng đầu trong Tứ bất tử của người Việt. Tản Viên Sơn Thánh cũng là Thành hoàng làng. Đình quay hướng tây nam và được xây theo kiểu chữ Công gồm Nghi Môn, Tả Mạc, Hữu Mạc và Đại Đình.

Từ đình làng có 6 con đường toả đi 6 hướng để đến 9 làng khác nhau, trong đó 5 làng là: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau, còn hai làng tách biệt là Phụ Khang và Văn Miếu. Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất.

Check-in-lang-co-Duong-lam

Mỗi khi đến thăm Đường Lâm, Chùa Mía là địa điểm du khách không thể bỏ qua. Chùa còn có tên là Sùng Nghiêm Tự, nằm trên khu đất cao của thôn Đông Sàng. Trong chùa còn bảo lưu hệ thống tượng Phật rất phong phú, đa dạng và vô cùng quý giá, bao gồm 287 pho và nhiều di vật quý.

Chùa Mía cùng với đền Phủ, chùa Viễn, bến phà Hà Tân, chợ Mía, cổng làng Đông Sàng, rạch Phủ, là những công trình gắn liền với công lao to lớn của bà Nguyễn Thị Ngọc Dong - một người con của quê hương và là cung phi của Thanh Đô Vương Trịnh Tráng. Đến với chùa Mía để được hoà mình vào cõi linh thiêng, u tịnh, thanh cao nơi đất phật với những huyền tích rất ly kỳ của các vị Phật qua những năm tháng khổ luyện, thành tâm đến ngày thành đạt.

Rời Sùng Nghiêm Tự, đến với ấp Cam Lâm qua chiếc cầu nhỏ bắc qua dòng sông Tích. Nơi ấy đã sinh ra hai vị anh hùng làm rạng rỡ non sông đất nước, đó là Bố Cái Đại Vương – Phùng Hưng (hồi thế kỷ thứ 8) và Tiền Ngô Vương – Ngô Quyền (hồi thế kỷ thứ 10).

Đến với ngôi đình Phùng Hưng, đền và lăng Ngô Quyền, mỗi chúng ta được hồi tưởng về thân thế, sự nghiệp của hai vị vua. Phùng Hưng có sức khoẻ hơn người, có thể dùng tay không đánh hổ, ngăn hai con trâu đánh nhau. Người đã lãnh đạo nhân dân chiến thắng giặc Tống và tên đô hộ khét tiếng Cao Chính Bình ở phủ Tống Bình (Hà Nội ngày nay) vào năm 791 để xây dựng nên nền tự chủ cho nước nhà và 147 năm sau, trận Bạch Đằng Giang lừng lẫy do Ngô Quyền chỉ huy đã nhấn chìm đại quân xâm lược Nam Hán, thống nhất đất nước sau gần 1.000 năm Bắc thuộc.

Check-in-lang-co-Duong-lam

Đặc biệt, Làng cổ ở Đường Lâm còn nổi tiếng bởi nét độc đáo về kiến trúc của gần 300 ngôi nhà cổ được xây cất bằng loại vật liệu đá ong truyền thống của xứ Đoài gắn kết bằng đất trộn với trấu. Nhà cổ thường được bố trí kiến trúc 5 hàng chân, với mô hình 5 gian hay 7 gian 2 dĩ; hệ thống ngách, cửa bức bàn hoặc cánh phố. Gian giữa, chiếm nhiều diện tích, là nơi bố trí ban thờ tổ tiên. Gắn liền với đó là các bộ hoành phi, câu đối, tranh ảnh cổ, các bộ đồ thờ, những kỷ vật của các bậc tiền nhân, phía dưới đặt bộ phản để ngồi. Ngoài ra còn có thêm bộ trường kỷ. Trên bàn hầu như nhà nào cũng có chiếc ấm tích ủ nước chè xanh mời khách. Nét riêng nhất chính là kiến trúc làng chính là những ngả đường hình xương cá gồm một trục đường chính với rất nhiều ngõ nhỏ thông với nhau.

Ngoài những di tích điển hình, Làng cổ ở Đường Lâm còn có hệ thống nhà thờ họ, miếu, quán, giếng cổ, ngõ; kèm theo đó là hệ thống cảnh quan môi trường sinh động với 36 gò đồi, 18 rộc sâu, 49 ao, hồ, vũng, chuôm, hàng chục cây cổ thụ gồm: đa, đề, si, ruối. Trong đó nổi bật là rặng ruối cổ gồm 29 cây ở khu vực đền – lăng Ngô Quyền. Tương truyền, nơi đây, vua Phùng Hưng và Ngô Quyền đã buộc voi, ngựa chiến. Những thửa ruộng, gò, đồi bãi mấp mô cực kỳ sinh động luôn hấp dẫn những nhiếp ảnh gia khi mùa vàng đến, hay lúc lúa, ngô đương thì “con gái” với màu xanh mướt mượt mà.

Check-in-lang-co-Duong-lam

Với những giá trị văn hoá, lịch sử quý báu, quần thể di tích Làng cổ ở Đường Lâm đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia ngày 28 tháng 11 năm 2005. Cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, các tổ chức hợp tác quốc tế, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền và nhân dân địa phương, quần thể di tích “sống” ấy đã và đang được bảo tồn, gìn giữ và phát huy, khai thác giá trị một cách có hiệu quả. Nhiều dự án về bảo tồn, phục hồi các công trình di tích, nâng cấp cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hoá được triển khai. Bộ mặt cuộc sống nông thôn làng cổ đã dần thay đổi. Một bộ phận gia đình đã biết tận dụng lợi thế, tiềm năng để khai thác, thu hút khách du lịch nhằm nâng cao mức thu nhập.

Cùng với các di tích danh lam thắng cảnh tiêu biểu nổi bật trên địa bàn thị xã như: Thành cổ Sơn Tây, Đền Và, quần thể di tích Làng cổ ở Đường Lâm đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước mỗi khi tới thăm thị xã xứ Đoài.

0 Bình luận