Chùa Ón (Ôn Hòa Tự)

875

Ngôi chùa độc đáo của Di tích Làng cổ ở Đường Lâm

Chùa Ón nằm ở khu vực giữa cánh đồng, cách cổng làng Mông Phụ vài trăm mét. Nhìn vào tổng thể của di tích này chỉ giống một ngôi nhà nhỏ với mái ngói mũi ri rêu phong cổ kính, tường được xây bằng gạch chỉ mỏng, nung thủ công. Các vật liệu khác cũng được cất dựng bằng các loại vật liệu truyền thống của vùng bán sơn địa. Tên chữ Nôm của chùa được mọi người quen gọi là Ôn Hòa Tự. Cũng không có nguồn tài liệu nào khẳng định mốc thời gian cụ thể mà dân làng gọi tên chùa Ón, và cũng có nhiều câu hỏi đặt ra là Tại sao gọi là chùa mà không có một vị tượng Phật hay hiện vật quý nào được yên vị để thờ phụng? Vào ngày rằm, mùng 1 đầu tháng cũng hiếm khi thấy có người mang lễ vật ra cúng bái, hành hương (chỉ trừ ngày 3/3 và 1/4 âm lịch hàng năm).

Dù đã trải qua một vài lần tu bổ, trong đó lần được thực hiện gần đây nhất là vào năm 2010, với sự giám sát của các chuyên gia thuộc cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA). Trong quá trình tu bổ, các nhà khoa học Nhật Bản và cán bộ theo dõi thi công, giám sát của cơ quan đã thực hiện thành công gia cố bức tường bị nghiêng của chùa đang ở mức nguy hiểm trở về hiện trạng an toàn. Các hạng mục của chùa Ón được tu bổ tổng thể. Giai đoạn vài năm trở lại đây, dân làng cũng gia cố them một số hạng mục phụ cận khác như: đường vào, trồng cây xanh ở xung quanh, mở rộng sân trước.Chùa Ón nhìn từ phía xa

Dân làng có giai thoại liên quan đến Chùa rằng: Ôn Hòa là tên một vị tướng người Tàu (Trung Hoa cổ đại), khi mãn hạn làm quan ở Việt Nam, ông dành chút thời gian để đi vi hành đến đất Đường Lâm thì thấy cảnh đẹp. Ông bèn xin dân làng cho ở lại khai khẩn, trồng cấy nuôi thân. Sau nhiều năm chịu thương chịu khó tích lũy có bát ăn bát để, ông bèn dựng một ngôi nhà để trấn yểm long mạch cho làng. Vì xuất thân là một võ tướng, có tài võ nghệ nên vào những ngày rảnh rỗi, ông thường mời gọi thanh niên trai tráng trong làng ra để dạy truyền võ nghệ. Ngoài mục đích rèn luyện sức khỏe, còn là để đề phòng giặc giã, cướp bóc đến xâm hại làng xóm. Trước khi lâm chung, ông đã cho đúc quả chuông đồng khắc 4 chữ “Hồng chung ôn hòa”. Tương truyền, dân làng Mông Phụ vẫn lưu giữ đến ngày nay. Ngoài ra, trên 2 câu đầu của chùa, hiện vẫn còn lưu giữ những dòng chữ Hán Nom, tạm đọc là “Khởi tạo Bính Dần niên, Quý xuân, Nhâm Tý nhật, Mão khắc động thổ, Bính cơ, Ất Mão nhật, Dậu thời, thu trụ thương lượng cát. Tạm dịch là: chùa được khởi công năm Bính Thân, cuối mùa xuân, ngày Nhâm Tý, giờ Dậu bắc nóc và phú quý thọ khang (giàu sang, sống lâu, khỏe mạnh).Lễ hội ngày 3/3 tại Chùa Ón

Hội chùa diễn ra vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm, cũng trùng với ngày tết Hàn thực của người dân nói chung ở các làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài lễ vật được dân làng sửa soạn cũng lễ, bao gồm: xôi, gà thiến, oản quả, hương hoa thì nhất định trai làng phải khiêng quả chuông nặng 145kg từ trong đình Mông Phụ ra đây để đánh 3 hồi 9 tiếng (nhưng tổng cộng phải là 99 tiếng). Người nào được dân làng tín nhiệm sử đánh chuông phải dốc sức tâm niệm mà hoàn thành, nếu không là có lỗi với thánh thần. Sau khi cúng lễ xong, Ban tổ chức tiến hành các thủ tục để khai hội vật chàu Ón. Gọi là “hội” nhưng quãng thời gian tồn tại sôi nổi của nó chỉ kéo dài vài ba tiếng đồng hồ, từ 15h đến lúc xẩm tối là kết thúc. Thông thường, có nhiều người tham gia đấu vật, chủ yếu là trai làng và các vùng lân cận. Theo các cụ kể lại thì những năm đất nước còn chiến tranh thì xới vật vắng bóng trai tráng, chỉ có tầng lớp người cao tuổi và đám trẻ nhỏ. Thời hòa bình, hội vật được tổ chức sôi nổi và có những keo vật hồi hộp hơn, mang lại cảm xúc cho nhiều người xem, thể hiện ý chỉ, sức khỏe, mẹo lừa miếng. Giải thưởng vì thế cũng được tăng dần. Nguồn phí tổ chức cũng được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài làng tình nguyện ủng hộ.Cảnh Thi đấu giữa hai Đô Vật

Vào ngày 1/4 âm lịch, ở nhiều nơi khác, dân làng cũng tổ chức lễ vào hạ tại các di tích, các cụ trong làng, song song với việc tổ chức cúng lễ trong đình Mông Phụ, có món lễ vật là cháo cũng được mang ra đây để dâng quan Thần Ôn. Cháo được múc ra những cái gọi là bù đài lá đa, cầm dọc từ chùa Ón ra đến đường cái chính. Xưa kia, mỗi dịp vào hè, khu vực làng quê thường phải gánh chịu những nạn dịch, sâu bệnh, gây nên thất thu hoa màu, thời tiết nóng bức dễ sinh bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Thế nên, cũng lễ ở ngày này cũng thể hiện ý nghĩa là cầu mát (một mùa hè ít nóng nực) và cầu an (một mùa hạ an lành).

Mỗi lần du khách hành hương về thăm di sản văn hóa Làng cổ ở Đường Lâm, nếu một lần ghé thăm ngôi chùa cổ độc đáo này còn được các cụ cao niên trong làng kể cho nghe một vài giai thoại hấp dẫn khác. Tuy di tích đơn sơ, nhỏ bé nhưng là món tài sản văn hóa quý của dân làng, đã được bao thế hệ người dân gây dựng, gìn giữ, trải qua những giai đoạn lịch sử, di sản trầm mặc rêu phong cổ kính ấy đã chứng kiến biết bao đổi thay của cuộc sống, con người làng quê truyền thống, văn hiến.

0 Bình luận

| 11