Nhà thờ thám hoa Giang Văn Minh

1,055
Trong làng Mông Phụ có nhà thờ của các họ Giang, Nguyễn, Phan, Hà... Đặc biệt là nhà thờ họ Giang thờ Thám hoa Giang Văn Minh (đời thứ 4 của dòng họ Giang ở Mông Phụ). Ông là sứ thần Việt Nam được cử sang Trung Quốc thế kỷ 17. Trong nhà thờ có Bái điện và Chính điện. Bái điện được xây năm 1943, Chính điện được xây lại năm 1845 do hư hỏng. Chính điện có cấu trúc hiên mở phục vụ cho mục đích làm lễ, bộ vì kèo trạm khắc đẹp.

Thám hoa sinh vào giờ tuất ngày Nhâm Ngọ tức ngày 06/9 năm Qúy Dậu (1573) tại thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm. Ông có tên tự là Quốc Hoa, hiệu là Văn Chung tiên sinh, tổ tiên xưa có truyền thống văn võ hiếu học. Tương truyền thuở nhỏ ông là bạn học với 2 người là Phùng Công Thế và Lã Công Thời. Hai ông này sau đó cũng đã thi đỗ đến bậc tiến sỹ vào năm Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10(1628) đời vua Lê Thần Tông. Giang Văn Minh dự khoa thi đình và đỗ Đệ nhất giáp tiến sỹ cập đệ tam danh ( khoa thi này không có thí sinh đỗ trạng nguyên) nên ông đã đỗ đạt ở mức cao nhất, khi sang tuổi thứ 55.

Sau đó ông được Triều đình tấn phong nhiều chức quan và được cử đi trấn giữ, cai quản vùng đất Nghệ An, vào năm 1637 ông được vua Lê, Chúa Trịnh cử dẫn đầu đoàn sứ nước Nam sang Trung Quốc ( triều đại phong kiến Trung Quốc lúc đó là do nhà Minh đương trị, niên hiệu là Sùng Trinh).

Mặc dù đoạn đường xa đi đến kinh đô nhà Minh vất vả, bị bọn quần thần nhà Minh khinh thường, chế giễu, coi nhẹ, ngăn cản không cho vào yết kiến vua Minh nhưng nhờ sự thông minh, tài trí, khéo léo, ông đã tiết kiến được vua Minh, có những lời lẽ đnah thép, cứng rắn và đúng đắn đã thuyết phục được vua Minh bãi bỏ được món nợ “ Liễu Thăng” từ hơn 200 năm trước (tướng giặc Liễu Thăng bị tướng quân nhà Lê là Lưu Yên Chú chém chết trong trận đánh Chi Lăng – Xương Giang vào năm 1427, nhà Minh đã vịn vào cớ đó để bắt ép nhân dân ta phải cống nộp hằng năm tượng đúc vàng bằng hình thể tướng Liễu Thăng), và đặc biệt hơn cả là vế đối đanh thép, dõng dạc để bảo vệ danh dự của dân tộc, đáp lại vế đối của vua Minh ban ra đó là “Đằng giang cổ tự huyết do hồng”.

Vua Minh và bọn quần thần đã hèn hạ sát hại ông. Sau đó lại khen ông là người tiết tháo, dũng cảm, bèn cho người lấy thủy ngân và sâm ướp xác cho phái bộ đi sứ chuyển thi hài ông về nước. Hay tin ông hi sinh đích thân vua Lê – Chúa Trịnh đã về tận quê hương để dự lễ an táng. Vua Lê đã than rằng “ sứ bất nhục quân mệnh, khả thi thiên cổ anh hùng” (đi sứ không trái mệnh vua, không để nhục nước xứng đáng là anh hùng thiên cổ”.

Và truy tặng ông tước hiệu “Công bộ tả thị lang Minh quận công”. Hiện nay lăng mộ ông và quán Giang (nơi đặt thi hài) cùng nhà thờ đều nằm ở địa phận thôn Mông Phụ. Khu nhà thờ có diện tích 400m2, được dựng theo hình chữ Nhị, bao gồm Nhà Bái, Hậu đường quay theo hướng đông. Ngoài ra còn có các hạng mục khác như: sân, cổng, vườn, nét kiến trúc họa tiết trang trí hoa văn mang phong cách thuộc niên đại triều Nguyễn.

Trong nhà thờ còn lưu giữ một số đi vật quý như câu đối, bia đá, lư hương, đỉnh đồng. Vào ngày 24/5/1991, nhà nước đã ra quyết định xếp hạng Nhà Thờ là di tích lịch sử văn hóa. Vào ngày 2/6 âm lịch hàng năm, nhân dân và chính quyền địa phương cùng con cháu mang họ Giang ở khắp nơi đều tề tựu về để tưởng nhớ công lao to lớn của ông và dân với nước.

Nằm trong trung tâm của quần thể di tích Làng cổ ở Đường Lâm, di tích Nhà thờ Thám Hoa Giang Văn Minh đang trở thành điểm đến tham quan, tìm hiểu của nhiều du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trải qua thời gian lâu dài, nhiều hạng mục, cấu kiện gỗ của công trình đang bị xuống cấp. Nguyện vọng và sự mong mỏi của dòng họ và nhân dân là sớm nhận được sự quan tâm đầu tư kinh phí của nhà nước để di tích được tu bổ, sửa chữa, bảo đảm là nơi linh thiêng, xứng tầm với ông trạng của Thám Hoa và cũng là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Lạng mộ của Thám Hoa Giang Văn Minh

0 Bình luận

| 8