Đình Phùng Hưng

1,000

Đình Phùng Hưng được nhân dân trong làng lập nên để tôn thờ công lao to lớn của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng – một người con sinh ra ở ấp Cam Lâm. Phùng Hưng còn được nhân dân quen gọi với cái tên gần gũi Bố Cái Đại Vương. Người đã có công tổ chức, lãnh đạo nhân dân và nghĩa quân đánh đuổi giặc nhà Đường ra khỏi phủ Tống Bình để giành quyền tự chủ cả một vùng rộng lớn. Ông là con trai Phùng Hạp Khanh, người có vai vế trong làng. Ông sinh được 3 người con trai là Phùng Hưng, Phùng Hải và Phùng Dĩnh. Tương truyền ba anh em lớn lên đều có sức khỏe, võ nghệ hơn người, có thể vật trâu, giết hổ, cõng tảng đá nặng ngàn cân “được mọi người khen ngợi nể phục”.

     Khi lớn lên Phùng Hưng kế vị cha làm hào trưởng đất Rừng Ngọt. Là người có mưu trí, sức khoẻ tuyệt vời. Phùng Hưng đã khiến dân chúng trong vùng tin phục bằng nhiều công ích lớn lao, luôn được mọi người nhớ mãi là chuyện đánh cọp cứu dân.
      Chuyện kể rằng ngày ấy, có con cọp dữ từ rừng về làng bắt lợn, vồ người làm cho dân chúng trong vùng vô cùng lo sợ. Kho trời nhá nhem tối, dân trong vùng đều vội vàng về nhà và cửa đóng then cài thật chặt, không ai dám ra ngoài vì sợ cọp ăn thịt. Phùng Hưng vô cùng bức xúc trước con cọp dữ, ông trăn trở suy nghĩ tìm mưu kế, dò theo vết chân, biết được hướng đi của cọp. Phùng Hưng cho bện bù nhìn rơm giống như người thật đặt ở bên đường. Cọp vồ, xé từng đêm hết bù nhìn này đến bù nhìn khác cho đến khi nó chán, bỏ qua thứ hình nộm tưởng như vô hại đó. Phùng Hưng đứng núp sau bù nhìn, chờ lúc cọp thản nhiên đi qua bèn vung truỳ đồng. đập chúa rừng chết ngay tại chỗ. Nghe tin Phùng Hưng giết được cọp dữ dân làng vui mừng phấn khởi, cuộc sống được yên ấm vui tươi.
Sau trận đánh cọp lừng lẫy đó Phùng Hưng đã cùng em là Phùng Hải tập hợp nhân dân nổi dậy ở Đường lâm chống lại ách đô hộ của nhà Đường.
      Tên đô hộ Cao Chính Bình cùng hơn 4 vạn quân trong thành ra sức chống cự. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt trong khoảng 7 này, quân địch bị tổn thất nặng nề, Cao Chính Bình phải lui vào thành cố thủ chờ quân tiếp viện, sau tên Đô phủ vì quá sợ thành bệnh mà chết. Phùng Hưng chiếm được thành Tống Bình vào phủ đô hộ tổ chức lại việc cai trị, xây dựng quyền tự chủ lâu dài. Phùng Hưng cai quản chính sự được 7 năm thì mất.
      Đình thờ ông đã có niên đại hàng ngàn năm trải qua các giai đoạn lịch sử luôn nhận được sự quan tâm, gìn giữ, tôn tạo cho khang trang, linh thiêng, sạch đẹp của nhân dân địa phương và du khách xa gần. Theo nhiều nguồn tư liệu, trải qua các triều đại phong kiến, Đình đã được nhận nhiều sắc phong của Vương triều nhằm tri ân công đức của Ngài. Quy mô hiện nay của đình đã được sửa chữa trùng tu lớn vào thế kỷ XIX gồm các hạng mục: Cổng Nghi môn, Tả hữu mạc, Đại bái và Hậu cung. Đại bái 3 gian 2 dĩ trên các bộ vì 4 hàng chân cột, kết cấu giá chiêng rường nách, kẻ bấy hiên. Trang trí trên kiến trúc đơn giản chủ yếu vào các đầu dư, kìm chạm đầu rồng, các ruờng nách chạm vân mây lá lật, các kẻ bẩy bào soi, chạm hoa lá vân mây cách điệu.
      Hậu cung 3 gian tường hồi bít đốc được xây dựng thiên về sự bền chắc thâm nghiêm tôn kính. Tả hữu mạc và Nghi môn xây dựng kiểu thức đơn giản tiện lợi cho sinh hoạt cộng đồng. Năm 2007 được sự giúp đỡ của hội sử học Việt Nam, lòng hảo tâm công đức của nhân dân địa phuơng, tập đoàn Công ty XD & DL Bình Minh, bức tượng chân dung Bố Cái Đại Vương được đúc bằng đồng cao 1m nặng 1000kg đã được hoàn thành và được đặt trang trọng trong Hậu cung của Đình đáp ứng nguyện vọng của nhân dân địa phương, du khách trong và ngoài nước. Theo các cụ cao niên trong làng, hiện trong đình còn lưu giữ được 15 đạo sắc phong do các triều đại phong kiến ban tặng và một tấm bảng ghi nên hiệu thời Tự Đức (1882).
      Lễ hội Đình được tổ chức vào ngày 8 tháng Giêng âm lịch (là ngày mất của Bố Cái Đại Vương). Tham dự lễ hội không chỉ có nhân dân trong thôn, xã nà còn có đông đảo nhân dân các làng quanh vùng như Triều Khúc (Thanh Trì – Hà Nội), làng Quảng Bá (Tây Hồ) , làng Phương Trù (Vĩnh Phúc).
Ngoài Đình thờ chính của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng ở Cam Lâm trong Làng cổ, còn có hai nơi thờ Ngài là Đình Đoài Giáp (thôn Đoài Giáp) và Đình Tổng (thôn Đông Sàng). Ở Hà Nội và các nơi khác cũng có di tích thờ Ngài như Đình Triều Khúc, Quảng Bá, Phương Liệt. Lăng thờ Ngài ở phường Kim Mã.. Cũng như khu vực Đền thờ, lăng Vua Ngô Quyền , khuôn viên và các hạng mục phụ trợ xung quanh đình thờ Phùng Hưng luôn nhận được của Nhà nước và nhân dân sự quan tâm, gìn giữ, bốn màu phủ bóng cây xanh, cũng như hệ thống đường phía trước được mở rộng, kè bao kiên cố để cho không gian thêm thoáng đãng, thuận tiện cho du khách tham quan dừng chân.
      Ngoài ngày lễ hội chính, trong năm, nhân dân địa phương và các di tích tôn thờ Ngài ở các tỉnh, thành phố cũng như du khách còn tổ chức nhiều hoạt động mang ý nghĩa lớn nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, tri ân công đức của Ngài. Cùng với Đền thờ và Lăng vua Ngô Quyền, rặng duối cổ và một số di tích của thôn, đình Phùng Hưng luôn là điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

0 Bình luận

| 4

Bài viết liên quan