Cổng Làng Mông Phụ

1,219

Cổng làng Mông Phụ được xây dựng trên con đường chính vào làng từ thế kỷ XVI, XVII, thời Lê. Bề ngang của cổng đủ rộng để một chiếc xe tải chạy qua, cổng quay mặt theo hướng Đông Nam, chếch phía Tây là núi Tổ (núi Tản Viên).

Trước cổng là cây đa, cây ruối, bên phải là ao sen, bên trái là Trạm y tế xã. Cổng được làm theo kiểu “thượng gia hạ môn” (trên là mái nhà, dưới là cổng), đầu hồi bít đốc, hai mái chảy lợp ngói ri, bờ nóc, bờ chảy đắp bờ đinh, hai đầu bờ nóc là hai đấu đinh. Trên một trục lộ chính dẫn vào làng, phía trên là mái, hai bên là tường, trụ biểu được kết hợp hài hòa, bảo đảm đi lại thuận tiện cho người đi bộ và một số phương tiện, liên kết với mái, hai tường hồi là hai trụ cổng phía trước và hai trụ phía sau, cũng có thể gọi là cổng trụ được xây thẳng đứng, thân trụ soi gờ chạy chỉ.

Phía dưới áp sát với nền đường là chân trụ (hay còn gọi là đế trụ). Từ đỉnh trụ xuống đến đế trụ không được đắp vẽ công phu, tỉ mỉ như một số cổng làng khác trong vùng. Sau khi được trùng tu năm 1985, tường hồi đã được trát vôi vữa và bên đầu đốc hữu có ghi niên đại trùng tu.

Nguyên xưa, cổng làng có 4 cánh cửa, năm 1951 tu tạo lại thành 2 cánh. Năm 2008, Nhà nước đã đầu tư kinh phí tôn tạo, phục chế lại nguyên vẹn với 2 cánh cửa bằng gỗ lim, được phục dựng theo kiểu thượng song hạ bản, tổng số có 11 song, 11 bản, 3 nẹp sắt đóng ghim lại, phần trên và dưới có các vọng sắt. Tại phần mái cổng với 2 bộ vì được làm theo kiểu thức “thượng giá chiêng chồng rường con nhị”, trung chồng rường, hạ bảy trên mặt bằng 3 hàng chân cột (1 cột cái, 2 cột quân). Nối hai đầu cột quân là xà ngang, dưới xà ngang là hệ thống con tiện song.

Tại câu đầu bên tả có ghi “Kỷ mão mạnh hạ sắc chỉ”, câu đầu bên hữu ghi “Thế hữu hưng nghi đại”. Chữ “Thế hữu hưng nghi đại” ở đây được hiểu trong việc phát huy, kế tục những giá trị văn hóa tinh thần ở làng quê từ bao đời nay được tiếp nối như: như tinh thần hiếu học, đoàn kết, thượng võ. Con số 3 trong kết cấu kiến trúc cổng làng mông Phụ hiện vẫn còn nhiều bí ẩn mà chưa có nhiều tài liệu, chứng cứ chứng minh được như: 3 hàng chân, 3 nẹp sắt, 3 then tàu, 3 chấm tròn. Do cổng quay hướng Đông Nam nên vào hè, giữa cái nóng bức, oi nồng của vùng xứ Đoài, không gian của cổng như một chiếc quạt khổng lồ mang theo hương vị của cây trái làng quê, làm vơi đi nỗi mệt nhọc, tiếp thêm sức lực cho người dân, tạo cảm giác sảng khoái, phấn khởi sau buổi lao động miệt mài với đồng ruộng, gò bãi, mỗi người như được tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho ngày mai.

Có thể khẳng định, cổng làng cổ Mông Phụ là chiếc cổng tiêu biểu còn tồn tại khá nguyên vẹn ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Nó gắn liền với nền văn minh nông nghiệp sản xuất lúa nước từ hàng ngàn năm nay của dân tộc Việt Nam. Cổng làng cùng với hệ thống các giá trị văn hóa vật thể tồn tại trong làng như: đình, đền, chùa, miếu, giếng, nhà thờ họ, tạo mối quan hệ khăng khít, bền chặt với cộng đồng dân cư trong làng.

Thời phong kiến, cánh cổng khép lại cùng với lũy tre gai mọc quanh làng tạo thành bức tường sống, bảo đảm an ninh trật tự trong làng, phản ánh rõ nét cuộc sống tự cấp tự túc của người dân trong làng. Đa phần các nhu cầu thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày được cung cấp bởi chính đồng đất và bàn tay lao động của những người con xứ sở. Với nhiều giá trị văn hóa lịch sử vật thể và phi vật thể quý báu khác, đang được bảo tồn, gìn giữ ở quần thể di tích Làng cổ ở Đường Lâm.

Chiếc cổng làng cổ, cùng với cây đa, hồ nước, cánh đồng trước mặt tạo thành một bức tranh làng quê sinh động, phong phú, đang là điểm tham quan lý thú và hấp dẫn, thu hút du khách. Nó cũng là đề tài vô tận cho các văn nghệ sỹ sáng tác ra các tác phẩm văn học nghệ thuật như: nhiếp ảnh, hội họa, video clip ca nhạc, tạo dựng cảnh, phối cảnh cho các bộ phim truyện, tư liệu, nhiều bức tranh, ảnh quý của cổng làng đã được nhiều tác giả khai thác, sáng tác gắn với những đối tượng khác như: con trâu, con bò, người nông dân xe lúa, thu hoạch rau, hoa màu. Những tác phẩm ấy không những được phổ biến ở trong nước mà còn được mang đi trưng bày, giới thiệu ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới. Với những giá trị đó, cổng làng Mông Phụ đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa vào năm 2008. Quy trình thi công tu bổ, khôi phục cổng làng với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản đã nhận được giải thưởng của Ủy ban UNESCO khu vực Châu Á – Thái Bính Dương năm 2013.

Cổng làng là thế, khi đi xa, ai ai cũng đều phải dành chút thời gian để quay lại nhìn, rồi ngày trở về, từ xa xa, hình ảnh chiếc cổng xù xì, mộc mạc, phủ màu rêu phong trầm mặc với mưa nắng, lòng mỗi người lại trào dâng bao nỗi bồi hồi. Bởi, sau chiếc cổng làng cổ kính, thân thương ấy là quê hương, tổ tiên, ông bà, cha mẹ và biết bao kỷ niệm của tuổi thơ.

0 Bình luận

| 13

Bài viết liên quan